
Tôi gặp H. tại cấp cứu trong tình trạng đau thắt lưng dữ dội
H., một người đàn ông 40 tuổi, làm nghề shipper giao thức ăn, thường xuyên chạy dưới trời nắng nóng tới tối mịt mới về.
Gần đây, anh cảm thấy đau lưng âm ỉ, nhưng anh chỉ nghĩ đó là do ngồi sai tư thế lúc lái xe.
2 giờ trước nhập viện, H. đau quặn thắt lưng đột ngột, đau đến mức không thể làm gì được.
Anh được người nhà đưa đến bệnh viện, vào thẳng khoa cấp cứu để gặp tôi.
Một tình huống mà tôi gặp mỗi ngày trong cuộc đời hành nghề bác sĩ.
Vậy nguyên nhân H mắc phải là do đâu?
Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ bất thường nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ Saigon Medicine hoặc tạo tài khoản sau đó đặt câu hỏi tại đây để được ưu tiên giải đáp bởi chuyên gia ngay hôm nay.

Vị trí ứng lên vùng thắt lưng của thận phải
Thận là gì?
Thận là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người, nằm ở phía sau, 2 bên cốt sống thắt lưng, ngay dưới các xương sườn.
Chức năng chính là lọc máu, sản xuất nước tiểu, cân bằng nước - điện giải, điều chỉnh pH máu và kích thích sản sinh tế bào hồng cầu ở tủy xương.
Đặc điểm đau thắt lưng do thận
Được mô tả như sau:
- Cảm giác đau do thận
Đau thận có thể là cảm giác đau âm ỉ hoặc quặn thắt liên tục ở sau thắt lưng, có thể lan từ hai bên sườn xuống lưng dưới, vùng bụng dưới, bẹn và bìu (hoặc môi lớn ở nữ).
Đau thận thường xảy ra ở một bên lưng, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai bên nếu cả hai thận bị ảnh hưởng.
Đau thận có thể chỉ mơ hồ hoặc rất khủng khiếp (như nhiều người mô tả đau còn hơn đau đẻ).
- Đau thận hay đau cột sống cơ xương
Đau thận thường nằm ở 1 phía thắt lưng, gần với các xương sườn, trong khi đau lưng do cột sống hoặc đĩa đệm thường xảy ra ở ngay chính giữa cột sống.
Đau lưng có thể lan xuống mặt sau đùi, gây tê hoặc cảm giác dị thường ở chân.
Thỉnh thoảng cũng khó phân biệt được giữa đau lưng do cơ xương cột sống và đau lưng do nguyên nhân từ thận
- Triệu Chứng Kèm Theo
Ngoài cảm giác đau, đau thắt lưng do nguyên nhân từ thận còn đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Có máu trong nước tiểu.
- Đi tiểu thường xuyên và đau buốt khi tiểu.
- Buồn nôn và nôn.
- Sốt và ớn lạnh (dấu hiệu nguy hiểm phải đi khám ngay).
Nguyên nhân gây đau ở vùng thận
Có 5 nguyên nhân sau đây tôi cần bạn lưu ý:
1. Sỏi thận
Sỏi thận hình thành khi các khoáng chất và muối trong nước tiểu kết tinh lại, tạo thành các khối cứng như viên sỏi.
Khi sỏi di chuyển trong đường tiểu, kẹt lại, nó có thể gây tăng co thắt tống viên sỏi dẫn đến cơn đau dữ dội.

Sỏi thận trái có thể di chuyển xuống dưới gây bế tắc trên dòng
Đọc thêm bài viết Sỏi Thận Có Nguy Hiểm Không Và PHÒNG NGỪA Như Thế Nào? của Ths.Bs Trần Quốc Phong.
2. Nhiễm Trùng Thận (Viêm Bể Thận)
Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi vi khuẩn từ nhiễm trùng đường tiểu dưới lan lên thận.
Triệu chứng bao gồm sốt cao và ớn lạnh, buồn nôn, đau khi tiểu, đau lưng, đau hông…
Viêm thận bể thận thường là một tình trạng cấp cứu.
Nhiễm trùng thận có thể gây tổn thương lâu dài cho thận và thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp đúng cách.
3. Chảy máu ở thận
Là tình trạng có máu chảy ra từ mô tại thận.
Có thể xảy ra do chấn thương trực tiếp vào vùng thận, như tai nạn giao thông, ngã mạnh hoặc các hoạt động thể thao cường độ cao.
U bướu ở thận (như nang thận, ung thư thận) cũng có thể dẫn đến biến chứng này.
4. Thận ứ nước hoặc ứ mủ
Xảy ra khi nước tiểu không thể thoát xuống dưới, gây ứ trệ và thận trướng to.
Trong nhiều trường hợp, nước tiểu ứ đọng có thể trở nên đục như mủ và có mùi rất hôi.
Nguyên nhân trướng nước thận có thể do sỏi thận, nhiễm trùng, hoặc khối u chèn ép niệu quản.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tổn thương thận nghiêm trọng, thậm chí suy thận không hồi phục.
5. Bệnh Lý Khối U hoặc Ung Thư Thận
Nang thận to trên 4cm cũng có thể gây đau thắt lưng âm ỉ thường xuyên.
Khối u ác tính ở thận có thể gây ra nhiều triệu chứng đáng lo ngại như mệt mỏi kéo dài, sưng to ở thận, và cơn đau âm ỉ bên hông không dứt.
6. Tắc mạch thận
Xảy ra khi mạch máu ở thận bị tắc do có cục máu đông. Nếu tình trạng diễn ra từ từ, người bệnh có thể không cảm nhận triệu chứng rõ ràng. Ngược lại, huyết khối tắc mạch máu thận đột ngột có thể gây ra cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng 1 bên kèm buồn nôn.
Điều trị đau thận như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng gây ra đau thận, bạn có thể điều trị bằng các biện pháp tại nhà, thuốc, hoặc phẫu thuật. Một số tình trạng như sỏi thận và nang thận nhỏ đôi khi có thể tự khỏi.
Biện pháp tại nhà
Uống nhiều nước là một trong những phương pháp điều trị chính cho sỏi đường tiểu nhỏ.
Can thiệp y khoa
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các tình trạng khác nhau. Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Kháng sinh: Dùng cho viêm bể thận hoặc các nhiễm trùng thận khác.
- Kháng viêm, giãn đường tiểu: Dùng để chống co thắt đường tiểu khi có kẹt sỏi, giúp tống thoát sỏi dễ hơn.
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa cục máu đông cho các tình trạng như huyết khối tĩnh mạch thận.
- Thuốc giảm cholesterol: Giúp điều trị bệnh thận do xơ vữa động mạch (atheroembolic renal disease).
Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết để điều trị tình trạng thận.
Như trong kỹ thuật nội soi niệu quản, một thiết bị chuyên dụng được đưa lên qua bàng quang vào thận để lấy sỏi ra ngoài.

Nội soi lôi sỏi ra ngoài bằng ống kính có dùng rọ
Trong những tình huống có u hoặc nang thận, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt bỏ tổn thương hoặc thận để ngăn bệnh diễn tiến.
Lời khuyên để ngăn ngừa đau thận
Bạn có thể sử dụng các biện pháp tại nhà để ngăn ngừa một số tình trạng gây đau thận.
Để giảm nguy cơ phát triển nhiễm trùng bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, tốt nhất bạn nên làm theo các bước sau:
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế ăn mặn, ăn hàng quán.
- Hạn chế nhịn tiểu.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
- Lau từ trước ra sau khi sử dụng nhà vệ sinh (đối với người có âm hộ).
Lưu ý: nếu bạn bị suy thận, bạn có thể cần hạn chế lượng nước uống.
Bạn cũng có thể giảm nguy cơ khối u thận bằng cách làm theo các bước sau:
- Tránh hoặc bỏ hút thuốc.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng vừa phải.
Khi Nào Nên Gặp Bác Sĩ?
Nếu bạn gặp phải cơn đau thận nghiêm trọng và khởi phát đột ngột, kèm với sốt ớn lạnh hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
Việc thăm khám và điều trị kịp thời sẽ giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng lan rộng, hoặc suy thận không hồi phục.
Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Trường hợp của anh H. chẩn đoán là: sỏi đường tiểu, gây ứ nước thận. Thận co thắt mạnh để tống thoát sỏi ra ngoài gây ra triệu chứng đau dữ dội, đưa anh vào cấp cứu.
Sau đó ít ngày, tôi đã nội soi tán sỏi cho anh, đến nay anh đã xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh.
Bạn cần đăng nhập để bình luận bài viết này