
3 giờ sáng, G. bật dậy với cơn đau dữ dội từ lưng lan xuống bụng dưới.
Anh không thể ngồi dậy, không thể đứng dậy, chỉ biết nằm co quắp trên giường với mồ hôi ướt đẫm.
Vợ anh hoảng hốt gọi cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi được khám và siêu âm, bác sĩ kết luận G. bị sỏi thận gây thận ứ nước.
Anh thắc mắc và lo lắng vì bản thân luôn có một lối sống lành mạnh, mà sao gặp phải trường hợp này.
Nguyên nhân do đâu? Và làm thế nào để có thể tránh bị sỏi thận.
Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ bất thường nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ Saigon Medicine hoặc tạo tài khoản sau đó đặt câu hỏi tại đây để được ưu tiên giải đáp bởi chuyên gia ngay hôm nay.
Thận có chức năng như thế nào?

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng bên trong cơ thể như lọc máu, loại bỏ chất thải, tạo nước tiểu và điều hòa lượng dịch bên trong cơ thể.
Thận còn giúp cân bằng điện giải và kiểm soát huyết áp.
Chưa kể thận còn có chức năng nội tiết, kích thích tạo máu ở tủy xương.
Sỏi Thận là gì?
Sỏi thận là những khối rắn hình thành từ các khoáng chất và muối trong nước tiểu.
Sỏi có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu, từ thận, niệu quản, bàng quang đến niệu đạo. Sỏi thận có kích thước và hình dạng khác nhau, từ nhỏ như hạt cát đến lớn như quả bóng golf.
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự hình thành sỏi thận, bao gồm:
- Uống không đủ nước khiến nồng độ khoáng chất trong nước tiểu tăng cao, dễ dẫn đến kết tinh thành sỏi.
- Thường xuyên ăn ngọt, mặn, nhiều thịt, tạng động vật.
- Gia đình có người từng mắc sỏi thận sớm, tái phát.
- Mắc phải một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh gout, và rối loạn chuyển hóa.
- Dùng thường xuyên một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung như vitamin D, vitamin C liều cao, và thuốc lợi tiểu.
Triệu chứng của sỏi thận

Hình ảnh X-quang bụng của một bệnh nhân có sỏi ở cả 2 thận
Sỏi thận có thể không gây ra triệu chứng gì cho đến khi chúng di chuyển trong thận hoặc vào niệu quản. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau lưng và bụng dưới: Cơn đau thường bắt đầu từ vùng thắt lưng, lan ra bụng dưới và xuống vùng háng. Đau có thể dữ dội và từng cơn, đôi khi được miêu tả như đau đẻ.
- Tiểu ra máu: Nước tiểu có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu do sỏi gây tổn thương niệu quản.
- Tiểu rát, tiểu buốt: Cảm giác đau hoặc khó chịu khi đi tiểu có thể xuất hiện nếu sỏi di chuyển xuống niệu quản và gây kích thích, tiểu buốt và lắt nhắt.
- Buồn nôn và nôn: Cho dù nôn xong vẫn không giảm đau.
- Tiểu nhiều lần: Sỏi thận có thể gây cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi thận còn có thể gây nhiễm trùng đường tiểu trầm trọng hoặc thậm chí gây suy thận cần phải can thiệp khẩn cấp.
Phòng ngừa sỏi thận
Phòng ngừa sỏi thận là cực kỳ quan trọng vì một khi bạn đã mắc sỏi thận, nguy cơ mắc lại là rất cao.
Khoảng 50% những người đã từng bị sỏi thận sẽ mắc lại trong vòng 10 năm.
Việc phòng ngừa giúp tránh được những cơn đau đớn, giảm rủi ro biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe thận của bạn.
Mọi người hãy nhớ 7 điều dưới đây:
Cách ngăn ngừa sỏi thận tự nhiên
- Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là cách tốt nhất để ngăn ngừa sỏi thận.
Nếu bạn không uống đủ nước, lượng nước tiểu sẽ ít và nồng độ nước tiểu sẽ cao, làm tăng nguy cơ kết tinh sỏi. Nước chanh và nước cam cũng là lựa chọn tốt vì chúng chứa citrate, có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Cố gắng uống khoảng tám ly nước mỗi ngày, hoặc đủ để tạo ra hai lít nước tiểu. Nếu bạn tập thể dục nhiều hoặc đổ mồ hôi nhiều, hoặc nếu bạn có tiền sử sỏi cystine, bạn sẽ cần thêm nước.
Bạn có thể kiểm tra tình trạng đủ nước của mình bằng cách xem màu sắc của nước tiểu - nếu nước tiểu trong hoặc màu vàng nhạt, nghĩa là bạn đã uống đủ nước. Nếu nó có màu sẫm, bạn cần uống thêm nước.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu Canxi
Loại sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalate, khiến nhiều người tin rằng họ nên tránh ăn canxi. Tuy nhiên, thực tế là chế độ ăn ít canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và loãng xương.
Thực phẩm bổ sung canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, nhưng việc uống canxi bổ sung kèm với bữa ăn có thể giúp giảm nguy cơ này.
Sữa ít béo, phô mai ít béo và sữa chua ít béo là những lựa chọn thực phẩm giàu canxi tốt.
- Giảm lượng muối ăn
Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi. Theo Hiệp hội Chăm sóc Tiết niệu, quá nhiều muối trong nước tiểu ngăn cản sự tái hấp thu canxi từ nước tiểu vào máu, gây ra nồng độ canxi cao trong nước tiểu và có thể dẫn đến sỏi thận.
Giảm lượng muối ăn giúp giữ mức canxi trong nước tiểu thấp hơn, từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Để giảm lượng muối, hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm và tránh các thực phẩm phổ biến chứa nhiều muối như:
- Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên và bánh quy
- Đồ đóng hộp
- Thịt nguội
- Các loại gia vị
- Mì gói
- Thực phẩm chứa natri nitrat hay natri bicarbonate (baking soda)
Để gia vị thực phẩm mà không cần dùng muối, hãy thử các loại thảo mộc tươi hoặc gia vị thảo mộc không chứa muối.
- Ăn ít thực phẩm giàu oxalate
Một số sỏi thận được tạo thành từ oxalate, một hợp chất tự nhiên trong thực phẩm kết hợp với canxi trong nước tiểu để tạo thành sỏi. Hạn chế thực phẩm giàu oxalate có thể giúp ngăn ngừa sỏi hình thành.
Các thực phẩm giàu oxalate bao gồm:
- Rau chân vịt
- Sô cô la
- Khoai lang
- Cà phê
- Củ cải đỏ
- Đậu phộng
- Cây đại hoàng
- Các sản phẩm từ đậu nành
- Cám lúa mì
Oxalate và canxi kết hợp trong đường tiêu hóa trước khi đến thận, nên ăn thực phẩm giàu oxalate cùng với thực phẩm giàu canxi có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận.
- Giảm tiêu thụ đạm từ động vật
Thực phẩm giàu protein động vật có tính axit và có thể tăng axit trong nước tiểu. Nước tiểu có tính axit cao có thể gây sỏi axit uric và sỏi canxi oxalate.
Bạn nên hạn chế hoặc tránh:
- Thịt bò
- Gia cầm
- Cá
- Thịt lợn
- Tránh bổ sung vitamin C quá liều
Bổ sung các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc quá nhiều (đặc biệt là vitamin C) mà không thông qua ý kiến bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận, đặc biệt ở nam giới.
- Thảo luận với bác sĩ
Một số loại thuốc bạn đang dùng có thể gây ra sỏi thận như như thuốc chống nghẹt mũi, thuốc lợi tiểu...Hãy thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc đang uống và đổi thuốc nếu cần. Bạn không nên ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Hơn nữa bạn cũng có thể hỏi chuyên gia về các loại thuốc phòng ngừa sỏi trong một số tình huống cụ thể như:
- Nếu bạn bị sỏi canxi có thể cân nhắc thuốc lợi tiểu thiazide hoặc phosphate
- Nếu bạn bị sỏi axit uric, allopurinol có thể giúp giảm axit uric trong máu hoặc nước tiểu.
- Nếu bạn bị sỏi struvite, kháng sinh lâu dài có thể được sử dụng để giảm lượng vi khuẩn trong nước tiểu.
- Nếu bạn bị sỏi cystine, capoten (Captopril) có thể giúp giảm mức độ cystine trong nước tiểu.
Khi nào thì nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ:
- Sốt và ớn lạnh: Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu đã lan rộng phải đi cấp cứu ngay.
- Đau lưng hoặc đau bụng dữ dội: Đây có thể là dấu hiệu của sỏi thận di chuyển xuống niệu quản, gây tắc nghẽn ứ nước ở thận.
- Nước tiểu có máu, đục và hôi cần đi kiểm tra nếu bạn đã được chẩn đoán sỏi thận trước đó, tránh để vi khuẩn vào máu.
Kết Luận
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều đau đớn cũng như biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản như uống đủ nước, duy trì chế độ ăn lành mạnh và kiểm soát các bệnh lý nền để bảo vệ sức khỏe hệ tiết niệu của mình.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ sỏi thận, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại liên hệ với Saigon Medicine để được hỗ trợ kết nối với các chuyên gia nhé!
Tải ngay Free Ebook Lắng nghe và cải thiện "xuất binh sớm" được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia của Saigon Medicine khi đăng ký email tại đây.

Bạn cần đăng nhập để bình luận bài viết này