
Lậu nếu không điều trị có thể gây đau vùng chậu kéo dài và vô sinh.
L. 27 tuổi, với vẻ ngoài điển trai và phong cách sống hiện đại.
Anh luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ ngã âm đạo với bạn tình.
Một ngày nọ, thấy lỗ tiểu có dịch mủ bất thường kèm đi tiểu đau rát, L. đến gặp tôi và phát hiện mình bị nhiễm lậu.
L. hoảng hốt, không thể tin: "Làm sao có thể như vậy được?" anh tự hỏi.
L. không biết rằng, anh có thể nhiễm bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STDs) mà không cần phải quan hệ tình dục thâm nhập.
Câu chuyện của L không phải là duy nhất, và nó mở ra một chủ đề quan trọng: làm thế nào các STDs có thể lây truyền mà không qua quan hệ tình dục thâm nhập?
Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ bất thường nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ Saigon Medicine hoặc tạo tài khoản sau đó đặt câu hỏi tại đây để được ưu tiên giải đáp bởi chuyên gia ngay hôm nay.
STDs Là Gì?
STDs là viết tắt của "Sexually Transmitted Diseases" (Các bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục). Đây là các bệnh hoặc nhiễm trùng lây truyền từ người này sang người khác thông qua hoạt động tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục xâm nhập và không xâm nhập.

STDs còn có ở...miệng
STDs có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể (không chỉ có dương vật hay âm đạo) và gây ra các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh. Việc phát hiện, điều trị sớm các bệnh STDs rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng, bảo vệ sức khỏe tình dục & sinh sản.
Và những con đường lây truyền ít ngờ đến
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng STDs chỉ có thể lây truyền qua quan hệ tình dục thâm nhập (quan hệ âm đạo hoặc hậu môn).
Để lây truyền một bệnh trong nhóm STDs, cần có một người mang tác nhân gây bệnh và một người nhận. Và cách duy nhất để biết bạn có mang bệnh STDs hay không là thực hiện xét nghiệm.
Một bệnh STDs có thể lây truyền trong bất kỳ hành động tình dục nào liên quan đến:
- Miệng, môi, cổ họng.
- Máu hoặc sữa mẹ.
- Dịch âm đạo, dịch trước xuất tinh, tinh dịch hoặc dịch hậu môn.
- Cửa hậu môn hoặc vùng đáy chậu
- Âm đạo, âm hộ, dương vật hoặc bìu
Điều này có nghĩa là, về lý thuyết, một bệnh STD có thể lây truyền trong bất kỳ hành động tình dục nào sau đây:
- Hôn.
- Kích thích núm vú bằng miệng.
- Quan hệ tình dục bằng miệng.
- Quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ hậu môn và âm đạo
- Quan hệ tình dục bằng tay, bao gồm cả kích thích hậu môn, âm đạo và vuốt ve âm hộ hoặc dương vật.
- Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến máu kinh nguyệt, máu từ một phần khác của cơ thể hoặc sữa.
Vì vậy cần phải thật chú ý các trường hợp có sử dụng bảo vệ (bao cao su) nhưng sai thời điểm, hoặc sai cách, hoặc biện pháp bảo vệ kém chất lượng.
Các con đường "phi tình dục" nhưng vẫn lây STDs
Bất kỳ hoạt động nào, cho dù không qua quan hệ tình dục mà có liên quan đến việc tiếp xúc, nuốt hoặc trao đổi các dịch cơ thể đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh STDs. Ví dụ:
- Hôn môi.
- Xăm hoặc xỏ khuyên.
- Nuốt tinh dịch.
- Chia sẻ đồ chơi tình dục chưa được làm sạch.
- Truyền máu.
- Chia sẻ kim tiêm.
- Nuôi con bằng sữa mẹ.
- Sinh đẻ.
- Tự truyền nhiễm (tay đưa tác nhân gây bệnh từ chỗ này đến chỗ khác, nặn hoặc làm vỡ mụn nước tại chỗ...).
Hầu hết các nỗi lo về lây truyền bệnh STDs qua các hoạt động phi tình dục, như từ ghế vệ sinh công cộng, bồn tắm nước nóng hay hồ bơi công cộng, thường không có cơ sở khoa học.
Không biểu hiện triệu chứng...nhưng vẫn lây
Một trong những thách thức lớn nhất là nhiều STDs không gây ra triệu chứng rõ ràng.
Điều này có nghĩa là một người có thể mang mầm bệnh và truyền cho người khác mà không hề biết.
Ví dụ, hơn 70% người bị nhiễm chlamydia không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể truyền bệnh.
Để giảm các rủi ro lây truyền này, khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là hầu hết những người có hoạt động tình dục nên xét nghiệm ít nhất một lần mỗi năm.
Hơn nữa, bạn cũng cần phải hiểu khái niệm “thời gian ủ bệnh” trong các bệnh lý lây truyền.
Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có thể phát hiện bệnh qua xét nghiệm.
Nếu bạn xét nghiệm trong thời gian ủ bệnh, kết quả sẽ âm tính. Thời gian ủ bệnh khác nhau đối với từng loại STDs:
- Chlamydia: 7–21 ngày
- Lậu: 1–14 ngày
- Herpes sinh dục: 2–12 ngày
- Viêm gan B: 8–22 tuần
- Viêm gan C: 2–26 tuần
- HIV: 2–4 tuần
- HPV: 1 tháng–10 năm
- Herpes: 2–12 ngày
- Giang mai: 3 tuần–20 năm
- Trichomoniasis: 5–28 ngày
Phòng ngừa STDs
Hầu hết các bệnh lý này đều có các biện pháp phòng nếu bạn thực hiện đúng cách.

Bao cao su cần mang đúng cách, đúng thời điểm, đúng loại
Điều này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm STDs:
- Sử dụng bao cao su không chỉ cho quan hệ âm đạo và hậu môn mà còn cả quan hệ miệng.
- Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm STDs, đặc biệt khi có bạn tình mới.
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và không dùng chung đồ chơi tình dục.
- Giảm thiểu số lượng bạn tình có thể giảm nguy cơ lây nhiễm.
Nếu bạn nghi ngờ mình nhiễm STDs, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Đến gặp bác sĩ bạn hãy yêu cầu xét nghiệm tất cả các tác nhân truyền nhiễm, bao gồm ở cả miệng hoặc hậu môn nếu đã từng quan hệ đường này.
STDs có thể được điều trị hiệu quả và hết hoàn toàn nếu phát hiện sớm.
Kết luận
Chăm sóc sức khỏe tình dục không chỉ đơn giản là tránh các hành vi nguy hiểm mà còn bao gồm việc hiểu rõ về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa.
Câu chuyện của L. là một lời nhắc nhở rằng, dù bạn có cẩn thận đến đâu, vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn mà bạn cần phải nhận thức và phòng tránh.
Qua khảo sát lại, L. thừa nhận rằng gần đây mình có vài lần được bạn tình kích thích bằng miệng (trong lúc đang say) mà không sử dụng biện pháp bảo vệ. Anh đã được điều trị với một liều thuốc và hoàn toàn khỏe mạnh cho đến nay.
Hãy chú ý kiểm tra sức khỏe định kì để đảm bảo bản thân "sạch sẽ", giảm thiểu rủi ro và tránh lây nhiễm cho người bạn đời của mình.
Nhận ngay Free Ebook Lắng nghe và cải thiện "xuất binh sớm" được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia của Saigon Medicine khi đăng ký email tại đây.

Bạn cần đăng nhập để bình luận bài viết này