
Không ai miễn nhiễm với bệnh lây truyền qua đường tình dục
Anh T., một nhân viên văn phòng điển hình, luôn cố gắng duy trì cho mình lối sống lành mạnh.
Với cuộc sống bận rộn, anh luôn chú trọng đến việc tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống cân đối. Gần đây, T. tham dự tiệc mừng của một người chú.
Không ai ngờ rằng, trong buổi tiệc ấy, anh đã uống nhiều hơn thường lệ. Đây là lần đầu tiên T. say đến mức không thể kiểm soát được bản thân.
Đêm đó, anh đã ngủ với một người lạ - một hành động mà anh chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.
Vài ngày sau, một buổi sáng khi thức dậy, T. nhận thấy cơ thể mình có những dấu hiệu lạ. Anh cảm thấy đau rát khi tiểu tiện và phát hiện một giọt mủ ở đầu miệng tiểu, trông như giọt sương ban mai.
Nỗi lo lắng càng lớn dần mỗi khi anh đi tiểu. Triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn làm T. mất ăn mất ngủ, tâm trí luôn trong trạng thái căng thẳng.
Không thể chịu đựng thêm, T. quyết định đi khám bác sĩ.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đưa ra kết quả khiến anh vô cùng ngạc nhiên.
Kết quả xét nghiệm cho thấy anh đã mắc bệnh lậu, một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted diseases - STDs) mà anh hoàn toàn không biết mình đã nhiễm phải từ bao giờ.
Lúc này T. run lẩy bẩy khi nghĩ về tương lai của mình, anh rất bối rối không biết phải đối mặt với bạn bè, và gia đình thế nào...
Kiến thức về STDs rất quan trọng
Hiểu biết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình mà còn bảo vệ người thân yêu.
STDs có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, như vô sinh, viêm nhiễm mãn tính đường sinh dục, suy giảm miễn dịch hoặc thậm chí là ung thư.
Việc thiếu kiến thức về STDs khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua các triệu chứng ban đầu, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều bệnh nhân đến khi có một khối sùi vùng kín khá lớn đã khá lớn, hoặc nhiễm giang mai, HIV giai đoạn trễ hay thậm chí ung thư diễn ra âm thầm bên trong đã xâm lấn vào cơ quan xung quanh (như trong trường hợp ung thư cổ tử cung do nhiễm HPV nguy cơ cao).
Nên đi kiểm tra STDs khi nào?
Ngày mai?
Ngày mốt?
Hay ngay bây giờ?
Có rất nhiều người, giống như T., không nhận ra mình có nguy cơ mắc STDs cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ ràng.
Một số khác thì chỉ nhận ra khi bệnh đã ở giai đoạn muộn hoặc có biến chứng nặng nề.
Đây là một số tình huống bạn nên cân nhắc đi kiểm tra (dĩ nhiên nếu bạn đã từng quan hệ tình dục):
-
Có triệu chứng bất thường: đi tiểu khó chịu, đau vùng chậu hoặc cơ quan sinh dục (như bìu), nổi sang thương loét, viêm đỏ, có mụn thịt, mụn nước, dịch tiết bất thường vùng kín.
-
Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su khi quan hệ đường âm đạo, miệng, hậu môn, quan hệ với nhiều bạn tình hoặc lúc đang không tỉnh táo.
-
Bạn tình có triệu chứng hoặc được chẩn đoán mắc STDs: Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn vẫn có thể bị lây nhiễm.
-
Đã lâu không đi kiểm tra (hơn 1 năm): việc kiểm tra định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn quan hệ với nhiều người, quan hệ qua ngã hậu môn
Đọc thêm bài viết Đây là 5 dạng tình dục đầy rủi ro mà bạn nhất định phải biết của Ths. Bs Trần Quốc Phong
Việc kiểm tra STDs diễn ra như thế nào?
Việc kiểm tra STDs không đáng sợ như bạn nghĩ.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm đơn giản và nhanh chóng để phát hiện các loại STDs.
Bạn có thể lựa chọn kiểm tra tại các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa hoặc thậm chí là các dịch vụ xét nghiệm tiện lợi tại nhà.
Một số phương pháp phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Phát hiện HIV, giang mai, viêm gan B và C.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phát hiện nhiều tác nhân gây STDs như Chlamydia, lậu.
- Xét nghiệm dịch tiết: lấy mẫu từ âm đạo, niệu đạo, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, trực tràng hoặc họng để tìm Chlamydia, lậu, trichomoniasis và herpes.
- Làm Pap định kỳ xét nghiệm HPV ở cổ tử cung.
Cách phòng ngừa STDs
Thật ra, phòng ngừa STDs không khó nếu bạn nắm rõ các biện pháp cần thiết:
-
Sử dụng bao cao su: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa STDs. Tuy nhiên trong một số trường hợp tiếp xúc da kề da như HPV hoặc u mềm lây có thể không bảo vệ hoàn toàn.
-
Quan hệ tình dục an toàn: Hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với người có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh
-
Tiêm phòng: Các loại vắc-xin phòng HPV và viêm gan B có thể bảo vệ bạn khỏi những bệnh nguy hiểm.
-
Thảo luận với bạn tình: Trao đổi về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý trước nay giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về nguy cơ lây nhiễm. Nếu cả 2 muốn tiến đến quan hệ không bảo vệ, hãy cùng nhau đi khám tầm soát và chia sẻ kết quả cho nhau.
-
Kiểm tra định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý truyền nhiễm.
Việc khám bệnh định kỳ và trao đổi với các chuyên gia y tế về bất cứ thay đổi nào của cơ thể là rất quan trọng.
Họ có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên chính xác và giúp bạn điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Hãy nhớ rằng, sức khỏe là tài sản quý giá nhất, đừng chủ quan và lơ là.
Kết luận
Anh T., sau khi điều trị kịp thời, anh đã hồi phục hoàn toàn và quyết định thay đổi lối sống của mình.
Không ai muốn nghĩ đến việc mình có thể mắc STDs, nhưng sự thật là bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ.
Hiểu biết và phòng ngừa là “chìa khóa” để bạn giữ gìn sức khỏe của mình và người thân.
Đừng ngần ngại đi kiểm tra và thảo luận với bác sĩ.
Hãy cam kết từ nay sống thật khỏe mạnh và có trách nhiệm với chính mình.
Đừng quên theo dõi fanpage của Saigon Medicine để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào về sức khỏe
Bạn cần đăng nhập để bình luận bài viết này